Ho gà là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất là ở trẻ nhỏ. Đây là bệnh có khả năng lây lan nhanh chóng qua đường hô hấp. Cùng tìm hiểu ho gà là bệnh gì, bệnh có nguy hiểm hay tự khỏi không? Đặc điểm, cách nhận biết và chữa trị như thế nào?
Ho gà là gì?
Ho gà tiếng anh là Whooping cough. Đây là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp, do vi khuẩn ho gà Bordetella Pertussis gây ra. Trẻ nhỏ là đối tượng rất dễ mắc bệnh. Ban đầu người bệnh có thể bị sốt hoặc không sốt, viêm đường hô hấp trên. Kèm theo là tình trạng chán ăn, người mệt mỏi và ho. Cơn ho ngày càng nặng hơn, diễn tiến thành cơn ho kịch phát sau 1 – 2 tuần và kéo dài từ 1 – 2 tháng, thậm chí lâu hơn.
Các cơn ho gà đặc trưng, trẻ ho rũ rượi và không thể kìm hãm được. Sau đó, trẻ thở rít nghe như tiếng gà gáy. Cuối mỗi cơn ho thường chảy nhiều đờm dãi trong suốt, sau là nôn.
Ho gà nếu không được điều trị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh. Chính vì vậy, cần nhận biết dấu hiệu triệu chứng bệnh sớm để có cách trị ho gà kịp thời.
Ho gà biểu hiện như thế nào?
Ho gà có thể nhận biết dễ dàng qua những triệu chứng sau:
Thời kỳ ủ bệnh: 6 – 10 ngày (trung bình 9 – 10 ngày)
Không có triệu chứng.
Giai đoạn viêm long đường hô hấp: 1 – 2 tuần
Triệu chứng tương tự như bệnh đường hô hấp trên:
- Sốt nhẹ
- Ho húng hắng
- Chảy nước mũi
- Hắt hơi
- Ho nặng hơn thành từng cơn vào cuối giai đoạn
Giai đoạn khởi phát: 1 – 6 tuần, trường hợp đặc biệt kéo dài trên 10 tuần
Các triệu chứng điển hình gồm:
- Ho rũ rượi thành từng cơn, 15 – 20 tiếng ho liên tiếp/1 cơn ho. Sau đó yếu và giảm dần.
- Các cơn ho xuất hiện nhiều khiến trẻ yếu dần, ngừng thở do bị thiếu oxy. Biểu hiện ra ngoài là tình trạng mặt đỏ, tím tái, chảy nước mắt nước mũi, tính mạch cổ nổi.
- Thở rít vào thường xuất hiện ở cuối cơn ho hoặc xen kẽ sau mỗi tiếng ho. Tiếng rít nghe ông ổng như tiếng gà gáy. Trẻ nhỏ dưới 6 tuổi thì có thể không nghe thấy tiếng rít trong cơn ho.
- Khạc đờm trắng, dính, trong khi kết thúc cơn ho. Trong đờm có vi khuẩn gây bệnh ho gà, đây chính là một nguồn lây nhiễm cho người khác.
- Trong 14 ngày đầu của giai đoạn khởi phát tần suất cơn ho xuất hiện 15 cơn/ngày. Sau giảm dần, kéo dài trên 3 tuần nếu không được chữa trị.
- Sau mỗi cơn ho, người bệnh mệt mỏi, nôn và thở nhanh. Kèm theo là biểu hiện mặt và mí mặt nặng, sốt nhẹ.
Giai đoạn phục hồi
- Cơn ho gà giảm dần, người bệnh hạ sốt.
- Sau đó nhiều tháng, ho tái phát lại nhiều lần dẫn đến viêm phổi.
Chẩn đoán phân biệt ho gà với các bệnh tương tự
- Bệnh phó ho gà tên tiếng anh Bordetella parapertussis rất giống với ho gà. Tuy nhiên bệnh nhẹ hơn và hiếm gặp. Đặc biệt không có miễn dịch chéo giữa hai bệnh B. pertussis và B. parapertussis.
- Viêm phế quản, viêm phổi: Bội nhiễm của ho gà.
Tại sao bị ho gà?
Đây là bệnh lây nhiễm do vi khuẩn Bordetella pertussis thuộc giống Bordetella gây bệnh ở người.
Hình thái:
- Vi khuẩn ho gà Bordetella pertussis là dạng trực khuẩn, hai đầu nhỏ. Đây là loại vi khuẩn thuộc loại vi khuẩn có kích thước nhỏ nhất, không di động và gram (-).
- Phát triển tốt trong môi trường Bordet-Gengou có thạch máu với các khuẩn lạc điển hình.
Khả năng tồn tại ở môi trường bên ngoài:
- Sức đề kháng của vi khuẩn gây bệnh ho gà rất yếu.
- Bị chết trong 1 giờ dưới tác dụng của ánh sáng mặt trời trực tiếp, nhiệt độ môi trường, thuốc sát khuẩn.
Xét nghiệm chẩn đoán ho gà
Các bác sĩ có thể chỉ định thực hiện các xét nghiệm sau để chẩn đoán bệnh chính xác:
Những xét nghiệm cần thực hiện
Để chẩn đoán ho gà ngoài dựa trên triệu chứng lâm sàng thì bác sĩ còn tiến hành thực hiện một số xét nghiệm cần thiết. Sau đây là những xét nghiệm chẩn đoán ho gà:
- Xét nghiệm dịch: Dịch ở họng hoặc mũi được lấy rồi mang đi xét nghiệm có vi khuẩn ho gà Bordetella Pertussis không.
- Chụp X – quang: Kiểm tra xem mức độ viêm, lượng dịch có trong phổi ở những trường hợp có triệu chứng ho gà nặng.
- Xét nghiệm máu: Kiểm tra lượng bạch cầu trong máu. Bạch cầu tăng cao thì cơ thể bắt đầu xuất hiện viêm và sưng.
Từ kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị ho gà đúng và mang lại hiệu quả nhất.
Xét nghiệm ho gà ở đâu?
Ở Hà Nội: Các địa chỉ khám và thực hiện xét nghiệm ho gà chính xác nhất gồm:
- Khoa hô hấp – Bệnh viện Bạch Mai
- Bệnh viện Nhiệt đới
- Khoa hô hấp – Bệnh viện Nhi Trung Ương
- …
Tại TPHCM: Địa chỉ khám, thực hiện xét nghiệm chẩn đoán ho gà được đông đảo người dân lựa chọn gồm:
- Khoa Nội phổi – Bệnh viện chợ Rẫy
- Bệnh viện Nhân Dân 115
- …
Bệnh ho gà có nguy hiểm không?
Ho gà thường xảy ra ở trẻ nhỏ nên rất nguy hiểm. Nếu như không được phát hiện sớm và trị ho đúng, kịp thời thì có thể xảy ra các biến chứng nguy hiểm sau:
- Viêm phế quản, viêm phế quản phổi bội nhiễm.
- Có thể bị lồng ruột, thoát vị ruột và sa trực tràng.
- Ho kéo dài có thể gây ngừng thở. Đây là biến chứng hay gặp và rất nguy hiểm rất dễ gây tử vong, nhất là ở trẻ nhỏ dưới 1 tuổi.
- Ho gà nặng có thể gây vỡ phế nang, tràn khí màng phổi, tràn khí trung thất.
- Viêm não, biến chứng này chiếm tỷ lệ 0,1% là biến chứng cực kỳ nguy hiểm, để lại di chứng và nguy cơ tử vong cao.
Ho gà có lây không? Lây qua đường nào?
Có thể khẳng định rằng ho gà là bệnh lây nhiễm nhanh, bệnh có thể phát triển thành dịch trong thời gian ngắn.
Nguồn lây nhiễm
- Ổ chứa: Vật chủ duy nhất là người. Nguồn lây truyền bệnh là người bệnh, không có sự lây truyền ở người bình thường mang vi khuẩn hoặc bệnh nhân ở thời kỳ lại sức.
- Thời gian ủ bệnh: 7 – 20 ngày.
- Thời kỳ lây nhiễm: Ho gà dễ dàng lây nhiễm từ người sang người ở thời kỳ đầu viêm long. Tính lây nhiễm giảm dần và mất đi sau 3 tuần bị bệnh, mặc dù các cơn ho vẫn dai dẳng. Nếu được điều trị bằng thuốc kháng sinh có hiệu lực thì thời gian lây nhiễm được rút ngắn còn lại khoảng 5 ngày.
Lây nhiễm qua đường nào?
Ho gà dễ dàng lây nhiễm qua các con đường sau: Tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp khi dịch tiết từ niêm mạc mũi họng người bệnh hắt hơi, ho, thậm chí là nói chuyện thông thường.
Ngay sau khi bị phơi nhiễm với nước miếng, nước bọt của người bệnh ho gà khả năng lây nhiễm cực kỳ cao. Theo thống kê, tỷ lệ những người trực tiếp tiếp xúc với người bệnh trong một gia đình mắc bệnh lên đến 90 – 100%.
Tính cảm nhiễm và miễn dịch
Tất cả mọi người đều có cảm nhiễm với ho gà và sau khi bị bệnh sẽ được miễn dịch trong thời gian dài. Một số trường hợp bị lại lần thứ hai. Nguyên nhân có thể là do vi khuẩn B. parapertussis.
Ho gà có tự khỏi không? Bao lâu thì khỏi
Hiện nay vẫn chưa có bất kỳ một nghiên cứu nào cho biết bệnh ho gà có thể tự khỏi. Như vậy, để đẩy lùi được bệnh, bắt buộc phải có biện pháp chữa trị phù hợp.
Bệnh ho gà bao lâu thì khỏi cũng rất khó để xác định chính xác được. Nếu bệnh được phát hiện sớm và điều trị đúng thì phải mất ít nhất 3 tuần mới chấm dứt được các cơn ho gà.
Cách điều trị bệnh ho gà
Khi bị ho gà người bệnh cần phải áp dụng điều trị theo nguyên tắc sau:
- Thuốc trị đặc hiệu bằng thuốc erythromycin liều 50mg/kg/ngày. Điều trị trong 14 ngày liên tiếp. Khi bị bệnh cần phải điều trị sớm để tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh và giảm lây nhiễm.
- Sử dụng thuốc kháng sinh nhưng không làm giảm dấu hiệu triệu chứng bệnh. Triệu chứng ho gà giảm khi được điều trị sớm ở thời kỳ ủ bệnh hoặc thời kỳ đầu viêm long.
- Đối với trẻ dưới 1 tuổi cha mẹ cần cho bé nhập viện sớm để theo dõi cơn ho ngạt thở, ngừng thở. Cần phải hút đờm dãi, thở oxy, bù nước và bổ sung dinh dưỡng cho bé.
- Dùng amoxicillin, cephalosporin để chống bội nhiễm.
- Chữa trị biến chứng thần kinh, chống phù, co giật, suy hô hấp.
Các biện pháp phòng ngừa ho gà
Ho gà là bệnh nguy hiểm nên cần có biện pháp phòng tránh hiệu quả:
Dự phòng
- Tuyên truyền sức khỏe giáo dục: Cung cấp thông tin hữu ích về bệnh ho gà cho người dân để phát hiện sớm, cách ly, điều trị kịp thời. Tuyên truyền để cha mẹ cho bé đi tiêm vắc xin DPT phòng ngừa ho gà.
- Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ thông thoáng, đủ ảnh sáng. Ở nơi có ổ dịch ho gà cũ thì cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm ho gà.
- Tổ chức tiêm vắc xin DPT đầy đủ theo đúng chương trình.
Phòng chống dịch
- Thành lập ban chống dịch cho lãnh đạo chính quyền địa phương làm trưởng ban. Lãnh đạo y tế địa phương làm phó ban và những thành viên khác có liên quan như hội phụ nữ, y tế, hội chữ thập đỏ…
- Thành viên trong ban chống dịch được phân công nhiệm vụ cụ thể để chỉ đạo và huy động cộng đồng thực hiện công tác phòng chống dịch tốt.
- Trường hợp ho gà nhẹ: Cách ly, theo dõi và chữa trị tại nhà dưới sự giám sát của cán bộ y tế.
- Trường hợp ho gà nặng, bị bội nhiễm, có biến chứng: Cách ly và điều trị tại cơ sở y tế hoặc bệnh viện chuyên khoa.
- Nếu nghi ngờ bị ho gà thì cần cách ly không cho tiếp xúc với trẻ nhỏ, nhất là trẻ chưa được tiêm phòng bệnh. Thời gian cách ly: Ít nhất 5 ngày và người đó phải điều trị kháng sinh đủ liều trong 2 tuần.
- Sát trùng tẩy uế các đồ dùng bị nhiễm bẩn của người bệnh ho gà.
>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM: Ho gió là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách trị nhanh nhất