Thuốc trưởng thành phổi được sử dụng để giảm nguy cơ biến chứng suy hô hấp ở trẻ có nguy cơ bị sinh non. Tuy nhiên không phải mẹ bầu nào cũng biết đến loại thuốc này đến khi được bác sĩ chỉ định. Vậy thuốc trưởng thành phổi là gì, nên tiêm khi nào, có tác dụng phụ không?
Thuốc trưởng thành phổi là gì?
Thuốc trưởng thành phổi hay thuốc trợ phổi được tiêm dự phòng biến chứng suy hô hấp ở trẻ sinh non, suy dinh dưỡng. Loại thuốc này giúp giảm nguy cơ tử vong ở thai nhi, bệnh phổi, nhiễm trùng hệ thống, xuất huyết não, viêm ruột hoại tử và chậm phát triển ở trẻ nhỏ.
Có hai loại thuốc trưởng thành phổi được sử dụng hiện nay gồm: Dexamethasone và Betamethasone. Cả hai loại thuốc này đều thuộc nhóm Corticosteroid, có tác dụng thúc đẩy trưởng thành phổi ở thai nhi.
Cơ chế hoạt động của thuốc trưởng thành phổi
Phụ nữ mang thai sau khi được tiêm trưởng thành phổi, thuốc truyền sang thai nhi qua các mạch máu rồi tác động đến phổi của trẻ. Thuốc trưởng thành phổi kích thích tăng sản sinh ra hoạt chất surfactant. Hoạt chất này chỉ xuất hiện khi thai nhi được 32 tuần tuổi. Surfactant có tác dụng làm giảm sức căng bề mặt của lớp dịch thể nang và chống lại lực đàn hồi của phổi. Đây cũng là lý do tại sao khi bị thiếu surfactant sẽ tăng nguy cơ bị xẹp và gây suy hô hấp cấp.
Ngoài ra, thuốc trưởng thành phổi kích thích thể tích của phổi tăng lên và giảm lượng chất lỏng trong phổi.
Sau 12h tiêm thuốc trưởng thành phổi, đường huyết của mẹ bầu tăng nhẹ. Tình trạng này sẽ kéo dài trong khoảng 5 ngày. Do đó, lời khuyên được đưa ra, các mẹ cần phải tầm soát tiểu đường thai kì trước khi tiêm và sau khi tiêm trưởng thành phổi nhằm tránh những biến chứng có thể xảy ra. Trường hợp mẹ bầu bị tiểu đường thai kì nặng thì phải ở lại để theo dõi sau khi tiêm trưởng thành phổi.
Tiêm trưởng thành phổi khi nào?
Khi mẹ bầu có dấu hiệu dọa sinh non hoặc có nguy cơ sinh non cao thì mới cần phải tiêm thuốc trưởng thành phổi.
Các dấu hiệu, triệu chứng dọa sinh non gồm:
- Ra máu hoặc nhầy màu hồng âm đạo
- Cơn co tử cung gây đau, tối thiểu 2 cơn/giờ
- Biến đổi ở cổ tử cung
Nguy cơ sinh non cao bao gồm:
- Mẹ bầu: Cổ tử cung ngắn, hở eo tử cung, khâu vòng cổ tử cung, u xơ tử cung, có tiền sử khoét chóp cổ tử cung, tiền sử sinh non, dị dạng tử cung…
- Thai nhi: Thai tăng trưởng chậm, tiền sản giật, rau âm đạo, vỡ ối, hết ối, nhiễm khuẩn ối
Tiêm thuốc trưởng thành phổi vào thời điểm nào?
Tiêm thuốc trưởng thành phổi cho thai phụ ở tuần thứ 24 – 34. Nếu chưa sinh sau 7 ngày thì cần tiêm nhắc lại 1 đợt nếu còn nguy cơ sinh non trong 7 ngày tới.
Loại thuốc và liều lượng:
- Thuốc betamethasone 12mg (Diprospan (5+2)mg): Tiêm bắp 2 lần, mỗi liều cách nhau 24 giờ.
- Thuốc dexamethasone 6mg: Tiêm bắp 4 liều, mỗi liều cách nhau 12 giờ.
Sau tuần thứ 34 thì việc tiêm thuốc trưởng thành phổi không có tác dụng với phổi của thai nhi nên không cần thiết phải tiêm.
Thuốc trưởng thành phổi có tác dụng phụ không?
Theo cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), hai loại thuốc trưởng thành phổi Betamethasone và Dexamethasone được sử dụng cho các mẹ bầu thuộc nhóm C: Có thể có nguy cơ. Như vậy có nghĩa thuốc trưởng thành phổi có tác dụng phụ.
- Đã có nhiều dữ liệu về tác hại ở não, chức năng hạ trúc đồi, tuyến yên và thượng thận thai. Tiêm trưởng thành phổi cũng sẽ làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng ở mẹ bầu.
- Một vài nghiên cứu cũng đã chỉ ra, thai nhi chậm tăng cân, liền khớp sọ sớm, cốt hóa sớm đầu xương dài và sau khi tiêm thì thai nhi ít vận động.
- Gây ra tăng đường huyết bắt đầu ở mũi tiêm trưởng thành phổi đầu, kéo dài trong 5 ngày. Vì thế, thai phụ cần phải được tầm soát tiểu đường thai kì khi tiêm để tránh tăng đường huyết không kiểm soát.
Những thông tin trên đã giải đáp thuốc trưởng thành phổi là gì, nên tiêm khi nào, liều lượng như thế nào. Đồng thời, cũng giải đáp thuốc trưởng thành phổi có tác dụng phụ không, có nên tiêm không? Hi vọng rằng chia sẻ này giúp ích cho các mẹ bầu.
>> Xem thêm: Sưng phổi là gì? Có chữa được không?