Hen suyễn ở trẻ em là bệnh mãn tính nguy hiểm, có thể gây tử vong ở trẻ. Chính vì vậy, cha mẹ cần nắm được những thông tin cần thiết về căn bệnh này như nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa như thế nào để cuộc sống của bé như trẻ bình thường.
Hen suyễn ở trẻ em là gì?
Hen suyễn ở trẻ em là tình trạng đường thở của trẻ bị viêm mãn tính, phù nề, chít hẹp khiến trẻ thở khò khè, khó thở.
Khi trẻ bị hen suyễn, các cơn co thắt phế quản và tăng tiết dịch nhầy trong phế quản làm giảm sự lưu thông của không khí khiến trẻ bị khó thở. Mức độ khó thở khi trẻ bị hen suyễn sẽ phụ thuộc vào sự co thắt phế quản và sự bài tiết dịch nhầy.
Trẻ em bị hen suyễn cực kỳ nhạy cảm với các dị nguyên kích thích như khói bụi, nấm mốc, không khí ô nhiễm, thời tiết thay đổi, không khí khô, ẩm ướt, lông chó mèo vật nuôi…
Hen suyễn ở trẻ con được phân loại thành:
- Nhẹ, ngắt quãng: Thỉnh thoảng xuất hiện vào ban ngày và khoảng 1 lần/tuần, không ảnh hưởng đến sinh hoạt của trẻ.
- Nhẹ, kéo dài dai dẳng: Xảy ra vào ban ngày, dưới 1 lần/tuần.
- Trung bình, dai dẳng: Xuất hiện vào ban ngày và có ảnh hưởng đến sinh hoạt, hoạt động của trẻ.
- Nặng, dai dẳng: Thường xuất hiện vào ban đêm gây khó ngủ, quấy khóc, ảnh hưởng đến hoạt động, thể lực, sinh hoạt của trẻ. Những cơn hen này kéo dài và diễn ra thường xuyên.
- Hen ác tính: Xảy ra hàng ngày, thường xuyên, nặng hơn về chiều và đêm. Ngoài khó thở, trẻ còn bị sốt.
Nguyên nhân hen suyễn ở trẻ em
Hiện nay chưa xác định được chính xác nguyên nhân hen suyễn ở trẻ em. Tuy nhiên, các yếu tố sau có thể làm tăng nguy cơ trẻ bị hen suyễn và khởi phát cơn hen:
- Tiếp xúc với chất gây kích thích niêm mạc hô hấp như hóa chất, bụi mạt, phấn hoa, lông chó mèo, thực phẩm dị ứng như cua, tôm, ốc…
- Do bị virus, vi khuẩn tấn công gây nhiễm trùng đường hô hấp
- Thời tiết thay đổi thất thường từ nắng ấm sang lạnh, môi trường ẩm ướt khiến trẻ dễ bị bệnh hô hấp, trẻ có tiền sử hen suyễn dễ bị tái phát
- Trẻ em có sức đề kháng yếu dễ bị hen suyễn hơn so với trẻ khỏe mạnh
- Mắc các bệnh như viêm phế quản, viêm họng, viêm amidan nguy cơ bị hen suyễn nếu như không điều trị kịp thời các bệnh lý này.
- Gia đình có tiền sử bị hen suyễn: Mặc dù hen suyễn không có tính chất di truyền nhưng nếu trong gia đình có bố hoặc mẹ hoặc cả bố mẹ bị hen suyễn thì trẻ có nguy cơ bị hen suyễn cao hơn nhiều so với trẻ có bố mẹ bình thường.
Triệu chứng hen suyễn ở trẻ em
Khi trẻ bị hen suyễn thường có các dấu hiệu triệu chứng sau:
Khó thở, thở khò khè, ngắt quãng
Đường thở bị chít hẹp khi bị hen khiến cho trẻ khó thở, thở khò khè. Nghe phổi có thể thấy tiếng ran rít. Kèm theo đó là tình trạng ho tiết nhiều dịch nhầy. Các cơn khó thở thường bắt đầu và kết thúc đột ngột.
Ho
Ho hen suyễn ở trẻ em có thể tự khỏi hoặc nặng hơn, tuy nhiên cơn ho nặng hơn vào ban đêm khi ngủ hoặc vào sáng sớm nhiệt độ thấp. Các cơn ho thường xảy ra khi trẻ gắng sức khóc, cười, vui chơi quá sức, hít phải khói thuốc lá, không khí ô nhiễm.
Ho tái phát hoặc kéo dài, ho kéo dài có thể gây nôn mửa, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và sức khỏe của trẻ.
Nặng ngực
Trẻ em bị hen suyễn có cảm giác đau tức ngực, nặng ngực như có vật gì đè ở ngực và gây khó thở.
Những dấu hiệu hen suyễn ở trẻ em khác
Bên cạnh các triệu chứng hen suyễn ở trẻ em trên, tùy theo mức độ, nguyên nhân gây bệnh mà trẻ có các biểu hiện sau:
- Mức độ nhẹ: Ho gà, nói được câu dài không bị ngắt quãng, nghe phổi có tiếng ran rít. Các triệu chứng bệnh xuất hiện khi trẻ hoạt động gắng sức (khóc, chạy nhảy, nô đùa, leo cầu thang).
- Mức độ vừa: Ho khi gắng sức, nói ngắt quãng, co kéo lồng ngực, lõm ức, hố thượng đòn và có tiếng ran rít khi thở ra.
- Mức độ nặng: Khó thở, ho ngay cả khi nghỉ ngơi, cánh mũi phập phồng, co kéo lồng ngực, quan sát được hố thượng đòn, môi tím tái, nói, khóc khó khăn, có tiếng ran rít khi hít vào và thở ra.
- Mức độ rất nặng: Khó thở dữ dội, không thể khóc, nói được, có tiếng ran, xảy ra liên tiếp nhiều ngày.
Chẩn đoán và điều trị hen suyễn ở trẻ em
Để có biện pháp điều trị đúng và hiệu quả, các bác sĩ cần phải có chẩn đoán chính xác.
Chẩn đoán hen suyễn ở trẻ em
Khi trẻ có dấu hiệu triệu chứng nghi ngờ bị hen, các bác sĩ tiến hành đo hô hấp ký
Cho trẻ thử gắng sức khi hoạt động như chạy nhảy, leo cầu thang… Nghiệm pháp gắng sức này thường khó thực hiện ở trẻ em dưới 6 tuổi.
Thực hiện xét nghiệm máu: Biện pháp chẩn đoán hen suyễn ở trẻ em này nhằm đánh giá mức độ dị ứng ở trẻ.
Điều trị hen suyễn ở trẻ em
Hen suyễn là bệnh mãn tính, khi bị bệnh trẻ phải chung sống với nó cả đời. Mặc dù vậy nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát và giảm sự xuất hiện của các cơn hen giúp trẻ có cuộc sống bình thường.
Để đạt được hiệu quả trị bệnh tốt nhất thì cha mẹ cần phải tuân thủ đúng theo phác đồ điều trị của bác sĩ và tái khám định kỳ.
Điều trị dự phòng
Việc điều trị hen suyễn ở trẻ em quan trọng nhất là điều trị dự phòng. Khi trẻ có triệu chứng cơn hen cấp cần xử lý kịp thời. Loại thuốc được sử dụng trong dự phòng hen suyễn ở trẻ em là nhóm thuốc corticoid dạng hít, dùng liều thấp ở giai đoạn ban đầu, sau tăng dần lên theo chỉ định của bác sĩ đến khi cơn hen được kiểm soát.
Thuốc nhóm chủ vận: Tác dụng kéo dài được sử dụng kết hợp cùng với nhóm thuốc corticoid dạng hít. Được bác sĩ chỉ định sử dụng điều trị dự phòng hàng ngày cho trẻ em bị hen suyễn khi thuốc corticoid dạng hít liều trung bình mà vẫn không kiểm soát được bệnh.
Thuốc nhóm kháng leukotriene: Tác dụng nhanh, được bác sĩ chỉ định sử dụng cho trẻ em bị hen suyễn nặng, không kiểm soát được khi đã dùng corticoid hít liều cao. Cần phải dự trữ thuốc sẵn trong nhà và trẻ luôn phải mang theo bên mình để cắt cơn hen kịp thời.
Trường hợp các cơn hen suyễn ở trẻ em thường xuyên xuất hiện thì cần phải tăng liều thuốc dự phòng cho trẻ.
Thuốc chống viêm và thuốc giãn phế quản được sử dụng để giảm viêm, tăng lưu thông thông đường thở. Phổ biến nhất hiện nay là thuốc corticoid hít đơn chất như flixotide, pulmicort hoặc dạng phối hợp như seretide, symbicort…
Cho trẻ đi khám định kỳ 3 tháng/lần
Cơn hen suyễn ở trẻ em được kiểm soát, bác sĩ sẽ hạ thuốc dự phòng. Sau 1 năm điều trị, tình trạng bệnh được kiểm soát hoàn toàn, trẻ có thể được ngừng điều trị dự phòng.
Cha mẹ cần chú ý, không được tự ý cho trẻ ngừng sử dụng thuốc đột ngột nếu không các cơn hen có thể tái phát và tình trạng bệnh hen suyễn ở trẻ em nặng hơn. Tuy nhiên, nhóm thuốc trong điều trị dự phòng có thể gây nhiều tác dụng phụ nên thường được khuyến cáo hạn chế dùng, chỉ sử dụng khi cơn hen nặng hỏi thăm.
Thuốc cắt cơn hen suyễn ở trẻ em
Những loại thuốc này có tác dụng ngăn chặn cơn hen nhanh nhờ làm giãn cơ đường dẫn khí, mở rộng đường thở. Hiện nay có các loại thuốc cắt cơn hen suyễn ở trẻ em phổ biến như bricanyl (terbutaline), ventolin (salbutamol)… dạng khí dung hoặc dạng xịt. Các loại thuốc này còn được dùng để cấp cứu trẻ em bị hen suyễn nặng.
Cho trẻ đến bệnh viện điều trị
Trẻ em bị hen suyễn có các biểu hiện, triệu chứng sau, cha mẹ cần cho bé đến bệnh viện điều trị ngay lập tức:
- Ho, thở nhanh, nhịp thở > 70 lần/phút
- Môi và đầu ngón tay tím tái
- Khóc yếu ớt, khó khăn khi nói
- Sử dụng thuốc cắt cơn nhưng vẫn không kiểm soát được cơn hen
- Cánh mũi phập phồng
Hen suyễn ở trẻ em có nguy hiểm không?
Bệnh hen suyễn ở trẻ em là bệnh nguy hiểm, nếu không được phát hiện, điều trị sớm thì có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng của trẻ. Các biến chứng chứng nguy hiểm có thể xảy ra khi trẻ bị hen như:
- Xẹp phổi: Chiếm 1/3 trường hợp hen suyễn ở trẻ em, cần nhập viện điều trị. Khi bệnh điều trị ổn định thì sẽ khỏi, phổi hoạt động bình thường.
- Giãn phế nang (bệnh khí phế thũng): Các phế nang bị giảm độ đàn hồi dẫn đến tình trạng thể tích khí thở ra ít và khí cặn trong cơ thể trẻ ngày càng tăng.
- Nhiễm khuẩn phế quản
- Tâm phế mạn: Trẻ bị hen suyễn 5 – 10 năm hoặc có thể lâu hơn có thể dẫn đến bệnh tâm phế mạn tính
- Tràn khí màng phổi, tràn khí trung thất: Trẻ bị hen suyễn kéo dài khiến cho phế nang bị giãn rộng, mạch máu thưa thớt, khả năng nuôi dưỡng kém dẫn đến áp dụng phế nang tăng. Khi đó, trẻ ho mạnh, vận động mạnh thành phế nang bị vỡ gây tràn khí trung thất, tràn khí màng phổi.
- Ngừng hô hấp, tổn thương não: Lượng oxy lên não không đủ gây tổn thương não, tình trạng này xảy ra khi các cơn hen suyễn ở trẻ em kéo dài, diễn ra liên tục.
- Suy hô hấp: Trẻ em bị hen suyễn ác tính dễ bị suy hô hấp, người tím tái, khó thở, ngừng thở, phải hỗ trợ bằng máy thở.
- Tử vong: Hen suyễn ở trẻ em có thể gây tử vong ở trẻ nếu cơn hen xuất hiện đột ngột và không kiểm soát kịp thời.
Phòng ngừa cơn hen suyễn trẻ em xuất hiện
Để giảm thiểu và kiểm soát tốt bệnh hen suyễn ở trẻ em, cha mẹ cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau đây:
- Không để trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá
- Tránh cho trẻ đến nơi không khí ô nhiễm
- Không dùng bếp lò, lò sưởi do khói từ bếp có thể gây kích thích đường thở, làm bùng phát cơn hen.
- Không nuôi vật nuôi trong nhà hoặc không cho trẻ tiếp xúc với vật nuôi như chó mèo.
- Vệ sinh phòng ốc, nhà cửa, môi trường sống xung quanh trẻ sạch sẽ ngăn ngừa bụi bẩn, nấm mốc phát triển.
- Giữ ấm cho trẻ khi trời trở lạnh, tránh để trẻ bị cảm lạnh, cảm cúm.
- Cho trẻ đi khám sức khỏe định kỳ 3 tháng/lần.
- Cho trẻ uống thuốc hoặc hướng dẫn trẻ uống thuốc đều đặn, theo đúng chỉ định của bác sĩ. Luôn để trẻ mang theo thuốc bên mình sử dụng bất cứ khi nào cơn hen hỏi thăm. Cần chú ý theo dõi để trẻ không dùng quá liều hoặc thiếu liều cũng như không mang theo thuốc, dễ gây nguy hiểm cho trẻ.
- Cho trẻ nghỉ ngơi, không ra ngoài ít nhất 24 giờ sau khi trẻ lên cơn hen kèm theo triệu chứng sốt.
- Thông báo tình trạng bệnh của trẻ cho giáo viên, nhà trường để có bài tập phù hợp tránh hoạt động gắng sức và chủ động hơn trong trường hợp cơn hen tái phát khi trẻ đang ở trường.
Trên đây là những thông tin về bệnh hen suyễn ở trẻ em, cha mẹ cần hết sức lưu ý để giúp điều trị, kiểm soát và phòng ngừa cho trẻ hiệu quả.
>> XEM NGAY: Trẻ bị hen suyễn kiêng ăn gì, nên ăn gì?