Hen suyễn là gì? Triệu chứng, thuốc điều trị và phòng ngừa hiệu quả

Hen suyễn là bệnh hô hấp phổ biến ở trẻ em, có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh. Đây là bệnh không lây nhiễm. Hiện nay, có khoảng 235 triệu người mắc bệnh. Vậy hen suyễn là bệnh gì, triệu chứng dấu hiệu dễ dàng nhận biết, thuốc hen suyễn hay nên ăn gì, kiêng gì?

Hen suyễn là bệnh gì?

Hen suyễn hay hen phế quản, tên tiếng anh là Asthma, là bệnh hô hấp mãn tính. Mỗi khi cơn hen xuất hiện, niêm mạc ống phế quản bị sưng viêm và kích ứng. Chính điều này làm cho đường dẫn khi bị thu hẹp lại, dẫn đến giảm lưu lượng khí vào phổi.

Khi niêm mạc ống phế quản bị phù nề nghiêm trọng đường dẫn khí ngày càng bị thu hẹp khiến người bệnh bị khó thở, thở khò khè, khó chịu.

Hen suyễn

Triệu chứng dấu hiệu hen suyễn dễ nhận biết

Triệu chứng hen suyễn khá đa dạng, nhiều dấu hiệu dễ bị nhầm lẫn với bệnh hô hấp khác. Tuy nhiên, hen suyễn triệu chứng phổ biến và điển hình sau:

  • Ho nhiều vào ban đêm: Ho được biết đến là phản ứng tự nhiên của cơ thể loại bỏ các dị vật như bụi bẩn, lông chó mèo, khói bụi… ra ngoài. Tuy nhiên, ho cũng có thể là biểu hiện của nhiều bệnh hô hấp, trong đó có hen suyễn, đặc biệt, các cơn ho thường xuất hiện về ban đêm.
  • Thở khò khè: Đây là triệu chứng hen suyễn điển hình dễ dàng nhận biết bệnh, nhất là thở khò khè khi thời tiết lạnh.
  • Đau tức ngực, áp lực: Người bị hen suyễn luôn có cảm giác như bị vật gì đè nặng, siết chặt ở ngực.
  • Khó thở: Niêm mạc ống phế quản bị viêm nhiễm, phù nề khiến đường thở bị thu hẹp, người bệnh thường cảm thấy khó thở.
  • Thở nhanh, gấp: Triệu chứng đặc trưng của hen suyễn, tăng nặng hơn khi bệnh nhân vận động nhiều như đi bộ, leo cầu thang…
  • Đổ mồ hôi, mặt nhợt nhạt: Khi không được cung cấp đủ oxy cần thiết, người bệnh hen suyễn có triệu chứng ra mồ hôi, mặt nhợt nhạt, mệt mỏi, khó chịu.

Trong một số trường hợp, người bệnh có thể xuất hiện đồng thời hoặc một vài dấu hiệu trên.

Nguyên nhân gây hen suyễn

Hiện nay vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây hen suyễn. Nhưng những tác nhân có thể gây bệnh và làm bùng phát cơn hen suyễn gồm có:

  • Thời tiết thay đổi thất thường nóng sang lạnh, không khí lạnh, ẩm hoặc quá khô.
  • Tiếp xúc với các dị nguyên kích ứng đường thở như bụi bẩn, không khí ô nhiễm, hóa chất, phấn hoa, nước hoa, lông chó mèo, nước xịt phòng…
  • Yếu tố di truyền: Trẻ sinh ra trong gia đình có bố mẹ đều bị hen suyễn hay bố hoặc mẹ bị bệnh thì có nguy cơ bị hen suyễn cao hơn nhiều so với trẻ có bố mẹ bình thường.
  • Bị mắc các bệnh về hô hấp như viêm xoang, viêm mũi, viêm họng, viêm phế quản… cũng có thể bị hen suyễn.
  • Bị trào ngược dạ dày thực quản
  • Đang sử dụng một số loại thuốc như aspirin, naproxen, thuốc ức chế beta, ibuprofen.
  • Ăn các loại thực phẩm gây dị ứng như tôm cua, thực phẩm chứa sulfite
  • Bia rượu, đồ uống có cồn, có ga, khói thuốc lá

Phân loại hen suyễn

Bệnh được phân loại thành hen suyễn dị ứng, hen suyễn do tập thể dục, hen suyễn nghề nghiệp, hen suyễn ban đêm, ho hen suyễn.

  • Hen suyễn dị ứng: Sưng mũi, chảy nước mắt, nước mũi, hắt hơi, ngứa họng, có xuất hiện đờm. Nguyên nhân là do hít phải các dị nguyên gây dị ứng như bụi bẩn, phấn hoa, nước hoa, lông vật nuôi, không khí ô nhiễm, khói thuốc lá, không khí lạnh…
  • Hen suyễn do tập thể dục: Triệu chứng xuất hiện sau 5 – 10 phút bắt đầu hoặc sau khi tập thể dục, có thể trở lên nghiêm trọng hơn vài phút sau khi ngừng tập. Nguyên nhân là khi tập thể dục, cơ xung quanh đường hô hấp rất dễ bị kích thích do sự thay đổi nhiệt độ, độ ẩm. Khi đó, phản ứng co thắt xuất hiện làm hẹp đường thở, dẫn đến các cơn hen suyễn.
  • Hen suyễn nghề nghiệp: Khi đến nơi làm việc, người bệnh thường bị chảy nước mắt nước mũi, nghẹt mũi và ho. Nguyên nhân là di người bệnh tiếp xúc với các chất ở nơi làm việc, thường là thợ làm mộc, làm tóc, họa sĩ…
  • Hen suyễn ban đêm: Triệu chứng ho nhiều, thở khò khè, khó thở vào ban đêm. Đây là loại hen suyễn có nguy cơ gây tử vong cao nhất. Nguyên nhân là do sai tư thế khi nằm ngủ gây khó thở, đường thở bị lạnh hoặc có thể do tăng tiếp xúc với chất gây dị ứng, tiết hormon theo mô hình sinh học…
  • Ho hen suyễn: Người bệnh ho khan không kèm theo đờm nhầy. Nguyên nhân dẫn đến các cơn ho hen suyễn là do tiếp xúc với chất gây dị ứng, dị với Aspirin hoặc sử dụng thuốc Beta-blockers.

Nguyên nhân hen suyễn

Hen suyễn có chữa khỏi được không, nguy hiểm không?

Bệnh hen suyễn là bệnh mãn tính, người bệnh sẽ phải chung sống cả đời với căn bệnh này. Bệnh nếu không được kiểm soát có thể gây:

  • Ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh: Người bệnh hen suyễn thường bị ho dai dẳng kéo dài vào ban đêm, sáng sớm gây mất ngủ, ban ngày mệt mỏi ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc, học tập, sinh hoạt vợ chồng…
  • Gây nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong: Các biến chứng như viêm phế quản, xẹp phổi, suy hô hấp, tràn khí màng phổi, tử vong…
  • Gây nguy hiểm cho mẹ bầu: Phụ nữ mang thai có nguy cơ bị hen suyễn khi thai nhi ở tuần thứ 24 – 36. Khi mắc bệnh, mẹ bầu có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như xuất huyết âm đạo, sản giật, sinh non… Trẻ sinh ra nhẹ cân hơn bình thường và có nguy cơ bị hen suyễn.

Thuốc trị hen suyễn hiệu quả

Hiện nay, các loại thuốc hen suyễn được sử dụng chỉ có tác dụng chữa triệu chứng và kiểm soát cơn hen. Thông thường người bệnh hen suyễn sẽ dùng cả 2 loại thuốc là thuốc dự phòng và thuốc cắt cơn hen suyễn.

Thuốc dự phòng hen suyễn

Nhóm thuốc dự phòng hen suyễn có tác dụng dự phòng các cơn hen suyễn xuất hiện đột ngột, giảm viêm và giảm co thắt phế quản. Các loại thuốc này được sử dụng dài hạn.

Thuốc dự phòng hen suyễn gồm: Thuốc corticosteroid dạng hít, thuốc giãn đường thở (đồng vận beta 2) có tác dụng kéo dài, kháng thụ thể Tiotropium, Theophylin, Leukotrien…

  • Những hoạt chất corticosteroid hít được dùng gồm: Budesonide, Beclomethasone và Fluticasone.
  • Những hoạt chất giãn đường dẫn khí có tác dụng kéo dài được dùng gồm có Formoterol, Salmeterol.
  • Kháng thụ thể thường được dùng là Leukotrien (Montelukast).

Các loại thuốc dự phòng hen suyễn được sử dụng phổ biến hiện nay:

  • Thuốc Symbicort Turbuhaler: Chứa Budesonide + Formoterol
  • Thuốc Seretide Evohaler: Chứa Fluticasone + Salmeterol
  • Pulmicort có chứa hoạt chất Budesonide
  • Thuốc Singulair viên uống hoặc nhai có chứa kháng thụ thể Montelukast

Thuốc trị hen suyễn

Thuốc cắt cơn hen suyễn

Nhóm thuốc cắt cơn hen suyễn có tác dụng nhanh, cải thiện dấu hiệu hen suyễn tức thì dựa trên cơ thế làm giãn phế quản. Thuốc cắt cơn là những thuốc đồng vận beta 2 có tác dụng ngắn.

Những hoạt chất giãn phế quản tác dụng ngắn được dùng phổ biến gồm: Terbutalin, Salbutamol và Fenoterol.

Các loại thuốc hen suyễn cắt cơn được sử dụng phổ biến hiện nay:

  • Thuốc Berotec có chứa hoạt chất Fenoterol
  • Thuốc Ventolin có chứa hoạt chất Salbutamol
  • Bricanyl có chứa hoạt chất Terbutalin

Khi sử dụng thuốc cắt cơn hen suyễn người bệnh cần chú ý chỉ dùng khi cơn hen xuất hiện, không sử dụng hàng ngày và luôn luôn mang thuốc bên người. Nếu các cơn hen suyễn xuất hiện nhiều lần trong một tuần thì có bệnh hen suyễn chữa được kiểm soát. Khi đó người bệnh cần đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám, tư vấn và điều chỉnh liều thuốc trị hen suyễn phù hợp.

Phòng ngừa và điều trị hen suyễn

Nguyên tắc điều trị, phòng ngừa: Tránh tiếp xúc với những tác nhân gây bệnh.

Bệnh hen suyễn không chữa được khỏi hoàn toàn nhưng nếu kiểm soát tốt, những cơn hen sẽ rất ít khi hỏi thăm. Sau đây là một số biện pháp điều trị và phòng ngừa hen suyễn hiệu quả:

Dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ

Một số loại thuốc như aspirin, naproxen, ibuprofen… có thể gây khởi phát cơn hen nếu như không sử dụng theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Do đó, trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc nào thì người bệnh đều cần phải tuân thủ tuyệt đối theo chỉ định của bác sĩ. Không tự ý mua thuốc về sử dụng, dùng sai liều lượng, thời gian sử dụng…

Tránh tiếp xúc với các tác nhân gây hen suyễn

Những tác nhân dễ gây hen suyễn như nấm mốc, hóa chất, khói thuốc, lông chó mèo, bụi nhà, phấn hoa, một số loại thức ăn. Chính vì thế, để hạn chế xuất hiện các cơn hen, người bệnh cần phải tránh xa những tác nhân này.

  • Không ăn các loại thực phẩm, đồ ăn gây dị ứng như cua, tôm, nấm, rượu bia…
  • Đeo khẩu trang mỗi khi ra ngoài tránh không khí ô nhiễm, khói bụi, hóa chất độc hại
  • Không tiếp xúc với lông chó mèo
  • Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, giặt giũ chăn, ga, gối, đệm thường xuyên

Giữ ấm cơ thể khi thời tiết lạnh

Không khí lạnh có thể làm xuất hiện các đợt hen suyễn cấp và những bệnh hô hấp khác. Chính vì thế, cần phải giữ cơ thể đủ ấm khi thời tiết lạnh.

Chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ chất dinh dưỡng

Thực đơn ăn uống hàng ngày cần cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng như chất béo, chất đạm, chất xơ, hoa quả tươi giàu vitamin C như cam, chanh, quýt, bưởi, việt quất, bơ, cherry, dâu tây… Rau xanh như cải bó xôi giúp tăng cường hệ miễn dịch và giảm khò khè ở người bệnh.

Chế độ ăn uống khoa học phòng ngừa hen suyễn

Bên cạnh đó, người bị hen suyễn cần tránh xa các loại thực phẩm đồ uống như:

  • Nước chanh, cam đóng chai
  • Bia rượu
  • Rau củ, hoa quả sấy khô như mơ khô, nho khô, anh đài khô, dứa khô, rau củ đóng hộp
  • Thực phẩm ngâm chua chứa nhiều sulfite tăng khó thở ở người bệnh.
  • Khoai tây đóng hộp, khoai tây chiên nên dùng khoai tây luộc hoặc khoai lang luộc
  • Tôm đông lạnh
  • Thực phẩm tự nhiên chứa sulfite như hẹ, trứng, măng tây, xà lách, cá hồi, bột ngô, tỏi…

Luyện tập thể dục thể thao hợp lý

Ngoài chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp, khoa học, người bệnh cần kết hợp luyện tập thể dục thể thao hợp lý để phòng ngừa hen suyễn hiệu quả. Tuy nhiên cần chú ý luyện tập vừa sức, không nên luyện tập lâu ở ngoài trời lạnh.

Tầm soát hen và COPD

Để chẩn đoán chính xác bệnh hen suyễn thì cần thực hiện tầm soát hen và COPD. Các bác sĩ sẽ thực hiện khám lâm sàng, chẩn đoán qua hình ảnh X-quang phổi, xét nghiệm máu….

Trên đây là một số thông tin về bệnh hen suyễn, mong rằng chia sẻ này giúp ích cho mọi người trong việc phòng ngừa và kiểm soát các cơn hen suyễn tốt hơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *