Giãn phế quản là bệnh gì, có lây nhiễm không? Phác đồ điều trị bệnh giãn phế quản như thế nào? Tất cả những thắc mắc này sẽ được giải đáp ngay sau đây, cùng tham khảo nhé!
Giãn phế quản là gì?
Giãn phế quản là tình trạng nhiễm trùng tái đi tái lại ở phổi gây ho có đờm. Những triệu chứng này là do giãn nở bất thường các phế quản (đường thở). Có trường hợp chỉ một đường thở bị ảnh hưởng, có trường hợp nhiều phế quản bị ảnh hưởng. Trong trường hợp rất nặng, sự giãn nở bất thường của phế quản xảy ra ở khắp cả hai phổi.
Sự giãn nở phế quản gây khó khăn cho việc loại bỏ chất nhầy, đờm từ đường hô hấp dưới lên trên và ra ngoài. Chất đờm nhầy này là nơi cư trú lý tưởng để nhiều loại vi khuẩn, vi trùng cư trú sinh sôi và phát triển. Điều này dẫn đến nhiễm trùng và sự phát triển quá mức của vi khuẩn gây sưng viêm và kích thích. Nhiễm trùng, sưng viêm ảnh hưởng đến đường hô hấp, làm giãn phế quản nhiều hơn và tình trạng giãn phế quản, viêm phế quản trở nên xấu hơn. Quá trình này có khi được gọi là giả thuyết chu kỳ luẩn quẩn của giãn phế quản.
Giãn phế quản sau lao
Đây là tình trạng phế quản bị giãn sau khi bị lao phổi. Giãn phế quản sau lao gặp nhiều ở người bệnh. Cơ chế phát triển của bệnh như sau:
- Nhu mô phổi ở người bị lao phổi bị xơ hóa, phá hủy dẫn đến tình trạng cơ kéo, giãn phế quản không thể phục hồi loại.
- Hoặc phế quản bị chít hẹp lại do xơ sẹo sau lao nội phế quản cục bộ gây ra.
Hầu hết các trường hợp lao hậu tiên phát làm tổn thương lao ở các phân thùy sau và phân thùy đỉnh của thùy trên. Vì thế, giãn phế quản sau lao thường gặp ở những vị trí này (vị trí dẫn lưu phế quản tốt). Chính vì thế bệnh giãn phế quản sau lao thường có những dấu hiệu triệu chứng nhận biết nghèo nàn.
Nguyên nhân gây giãn phế quản
Những tổn thương ở trên thành phế quản thường là nguyên nhân gây giãn phế quản. Một vài bệnh nhiễm trùng phổi có thể gây ra những tổn thương này gồm:
- Ho gà, lao phổi, sởi
- Viêm phổi nặng
- Nhiễm nấm tại phổi
Yếu tố làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng phổi gây giãn phế quản:
- Dị ứng với nấm aspergillus
- Mắc bệnh suy giảm miễn dịch như HIV/AIDS
- Những rối loạn liên quan đến vận động của nhung mao trong lòng phế quản
- Bệnh xơ nang: Nguyên nhân của 50% các trường hợp bị giãn phế quản ở Mỹ
- Hội chứng hít sặc: Xảy ra khi người bệnh hít thức ăn, nước bọt, chất lỏng hoặc thức ăn ở dạ dày trào vào phổi
- Mắc các bệnh ở mô liên kết như bệnh Crohn, viêm khớp dạng thấp…
Nguyên nhân khác:
- Do các khối u lành tính
- Dị vật rơi vào phế quản
- Bất thường trong quá trình hình thành phổi ở bào thai gây giãn phế quản bẩm sinh ở trẻ nhỏ
Triệu chứng giãn phế quản
Tổn thương phế quản gây giãn phế quản bắt đầu khi còn nhỏ nhưng dấu hiệu, triệu chứng chỉ xuất hiện sau nhiều năm khi xảy ra tình trạng nhiễm trùng phổi tái phát nhiều lần ở người bệnh.
Triệu chứng điển hình:
- Ho liên tục trong nhiều tháng, nhiều năm
- Thở ngắn, nghe có tiếng rít
- Nhiều đờm nhầy
- Đau tức ngực
- Da dưới móng tay, móng chân dày lên
- Nghe phổi có tiếng ran phổi bất thường
Triệu chứng giãn phế quản có thể nặng dần lên theo thời gian. Bệnh nhân có thể bị ho ra máu hoặc đờm có lẫn máu, người mệt mỏi. Trẻ nhỏ chậm lớn hoặc bị giảm cân.
Giãn phế quản nặng có thể gây suy hô hấp, xẹp phổi, suy tim.
>> BẠN CÓ BIẾT: Viêm phế quản là gì?
Chẩn đoán giãn phế quản
Để chẩn đoán được chính xác bệnh giãn phế quản, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm chẩn đoán sau:
- Chụp X – quang
- Chụp CT lồng ngực
- Xét nghiệm máu
- Cấy đờm
- Xét nghiệm chức năng hô hấp
- Xét nghiệm máu hoặc lẩy da
- Các xét nghiệm khác
Trường hợp bệnh giãn phế quản không đáp ứng điều trị thì bác sĩ sẽ tiến hành nội soi phế quản.
Giãn phế quản có nguy hiểm không?
Các chuyên gia y tế cho biết, giãn phế quản là bệnh rất nguy hiểm, nếu không được chữa trị tích cực và phòng ngừa thì có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Bao gồm:
- Áp xe phổi, xơ phổi, mủ màng phổi
- Nhiễm mủ phổi, mủ phế quản
- Khí phế thũng
- Suy hô hấp nghiêm trọng
- Ảnh hưởng đến chức năng của tim, suy tim
- Ho ra máu kéo dài, nặng đe dọa tính mạng ở người bệnh
- Xơ nang đe dọa tính mạng người bệnh
Giãn phế quản có chữa được không?
Thông thường giãn phế quản không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách nên ổ giãn phế quản lan rộng gây bội nhiễm tái phát. Như vậy, giãn phế quản không thể chữa khỏi hoàn toàn được. Quá trình điều trị nhằm mục đích giảm triệu chứng, ngăn chặn sự tiến triển và nhiễm trùng lặp lại.
Có một số trường hợp (hiếm gặp) giãn phế quản chỉ trong một vùng phổi, chỉ cần phát hiện sớm thực hiện phẫu thuật cắt bỏ phần phổi đó thì có thể chữa khỏi.
Giãn phế quản có lây không?
Giãn phế quản có lây không là thắc mắc của rất nhiều người. Câu trả lời là bệnh có lây nhiễm nếu như tiếp xúc lân cận với người bệnh ở giai đoạn viêm long hô hấp trên do bị lây nhiễm siêu vi từ người bệnh. Bệnh giãn phế quản lây nhiễm từ người sang người qua đường hô hấp. Chính vì thế cần phải điều trị đúng theo phác đồ và phòng ngừa bệnh hiệu quả.
Phác đồ điều trị bệnh giãn phế quản
Quá trình điều trị gồm những lộ trình sau:
Điều trị bội nhiễm phế quản
Lựa chọn loại kháng sinh ban đầu dùng đường uống hoặc đường tiên phụ thuộc vào mức độ nhiễm trùng và màu sắc đờm:
Các kháng sinh được dùng trong điều trị giãn phế quản
- Cephalosporin thế hệ 2: cefuroxim 2g/ngày.
- Cephalosporin thế hệ 3: cefotaxim 3-6 g/ngày, ceftazidim 3-6 g/ngày (chia 3 lần).
Kết hợp dùng với kháng sinh nhóm aminoglycosid
- Gentamycin 3-5 mg/kg/ngày tiêm bắp 1 lần hay amikacin 15 mg/kg/ngày tiêm bắp 1 lần hay pha truyền tĩnh mạch với natriclorua 0,9%
- Hoặc nhóm quinolon: Ciprofloxacin 1 g/ngày chia 2 lần, moxifloxacin 400 mg/ngày, levofloxacin 750 mg/ngày.
Thuốc điều trị giãn phế quản thay thế
- Penicillin G 10-50 triệu đơn vị/ngày, pha truyền tĩnh mạch. Dùng kết hợp với 1 kháng sinh nhóm aminoglycosid.
- Thay enicilin G bằng amoxicilin + acid clavunalic hoặc ampicilin + sulbactam, với liều dùng 3-6 g/ngày nếu như nghi bị nhiễm vi khuẩn tiết betalactamase.
- Kết hợp nhóm betalactam với metronidazol 1-1,5 g/ngày truyền tĩnh mạch chia 2-3 lần. Hoặc thuốc penicilin G 10-50 triệu đơn vị kết hợp metronidazol 1-1,5 g/ngày truyền tĩnh mạch nếu như người bệnh khạc đờm có mủ thối.
Thay đổi loại thuốc kháng sinh dựa theo đáp ứng lâm sàng và kết quả kháng sinh đồ (nếu có).
Thời gian dùng thuốc kháng sinh sẽ theo từng trường hợp. Thông thường từ 1 – 2 tuần. Trường hợp bệnh nặng, vi khuẩn kháng thuốc, bội nhiễm Staphylococcus areus, Pseudomonas aeruginosa thì cần dùng thuốc kháng sinh dài ngày hơn có thể kéo dài 3 tuần.
Dẫn lưu đờm
Hướng dẫn cho người bệnh cách ho khạc đờm, vỗ rung lồng ngực kết hợp với dẫn lưu theo tư thể. Tùy thuộc vị trí tổn thương mà chọn tư thế thích hợp. Hầu hết để người bệnh nằm đầu dốc để đờm mủ từ phế quản thoát ra ngoài được dễ dàng hơn.
Kết hợp với vỗ rung lồng ngực. Thực hiện 2 – 3 lần/ngày, mỗi lần tăng dần 5 – 10 – 20 phút. Thực hiện trước bữa ăn. Đây là phương pháp dẫn lưu đờm đơn giản có kết quả rất tốt và người bệnh cần thực hiện hàng ngày thường xuyên ngay cả không có bội nhiễm phế quản.
Soi phế quản ống mềm, trong quá trình soi thì tiến hành hút dịch phế quản, thực hiện xét nghiệm vi sinh vật, giải phóng đờm mủ bít tắc, bơm rửa lòng phế quản.
Điều trị bệnh nhân có hội chứng xoang phế quản
Hội chứng xoang phế quản gồm: Giãn phế quản và viêm đa xoang mạn tính.
Người bệnh có thể uống erythromycin 10 mg/kg/ngày và chia thành 2 lần. Kéo dài từ 6 – 24 tháng nếu như người bệnh không gặp tác dụng phụ nào của thuốc. Không dùng đồng thời với thuốc theophyllin hoặc những loại thuốc cùng nhóm xanthin do có nguy cơ gây xoắn đỉnh.
Điều trị co thắt phế quản
Người bệnh khó thở, nghe phổi thấy có ran ngáy và ran rít: Dùng các loại thuốc giãn phế quản.
Thuốc cường beta-2:
- Salbutamol 4 mg x 4 viên/ngày, chia thành 4 lần uống.
- Terbutalin 5 mg x 2 – 4 viên/ngày, chia thành 2 – 4 lần.
Thuốc kháng cholinergic: Ipratropium bromid khí dung 2 ml/lần x 3 lần/ngày.
Thuốc kháng cholinergic kết hợp với thuốc cường beta-2: Salbutamol/ipratropium, fenoterol/ipratropium: Khí dung 2 ml/lần x 3 lần/ngày.
Dùng giãn phế quản kéo dài: Bambuterol 10 mg uống 1 viên/ngày.
Điều trị giãn phế quản ho ra máu
Nhẹ
Lượng máu ho khạc < 50ml/ngày
- Chỉ cần nằm nghỉ ngơi, ăn đồ ăn lỏng.
- Sử dụng thuốc giảm ho, an thần nếu không có dấu hiệu suy hô hấp, co thắt phế quản.
Trung bình
Lượng máu ho khạc từ 50 – 200ml/ngày
- Chăm sóc chung như trường hợp nhẹ.
- Dùng thuốc Transamin 250 mg x 4 ống/ngày và tiêm tĩnh mạch.
- Sử dụng Morphin 0,01 g tiêm dưới da/tĩnh mạch (cần thận trọng khi người bệnh có suy hô hấp mãn).
- Kháng sinh trong tất cả các trường hợp người bệnh ho ra máu từ mức độ trung bình trở lên để phòng ngừa nhiễm khuẩn.
Nặng, rất nặng
Lượng máu ho khạc > 200 ml/ngày
- Chăm sóc chung, sử dụng các thuốc co mạch và morphin: Như trên.
- Truyền dịch và máu bồi phụ khối lượng tuần hoàn.
- Hút đờm máu, tiến hành mở khí quản hút loại bỏ những cục máu đông gây tắc phế quản, đặt nội khí quản.
- Soi phế quản ống mềm.
- Bơm thuốc co mạch cầm máu tạm thời: Dung dịch epinephrin (hoặc adrenalin) pha loãng 0,1%.
- Giải phóng máu đọng trong đường hô hấp.
- Chụp động mạch phế quản ở những người bệnh ho ra máu nặng và dai dẳng, tái đi tái lại nhiều đợt.
- Xét nghiệm máu ngoại vi cấp nhằm đánh giá mức độ thiếu máu và bù máu.
- Bù khối lượng máu bị mất hoặc những chế phẩm cao phân tử.
- Phẫu thuật: Cắt phân thùy, thủy, thậm chí cả bên phổi trong trường hợp bệnh giãn phế quản khu trú, giãn phế quản ho ra máu nặng hoặc tái phát.
Phòng ngừa giãn phế quản
Có thể thực hiện một số biện pháp sau ngăn ngừa bệnh giãn phế quản:
- Ngăn ngừa nhiễm trùng phổi, tổn thương phổi gây giãn phế quản
- Trẻ nhỏ cần tiêm vacxin ho gà, sởi giảm nguy cơ mắc bệnh và biến chứng liên quan, giãn phế quản là một trong biến chứng đó.
- Chữa trị khỏi các bệnh nhiễm trùng phổi ở trẻ em.
- Tránh hít khí gas, khói thuốc lá, hóa chất độc hại.
- Tránh để dị vật lọt vào đường hô hấp, tránh hít sặc.
Giãn phế quản là bệnh lý nguy hiểm gây nhiều biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh. Do đó, nếu thấy bất cứ dấu hiệu triệu chứng bệnh cần đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra, thăm khám. Từ đó có chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh và có phác đồ điều trị giãn phế quản phù hợp nhất.
>> XEM THÊM: Viêm phế quản có lây không và lây qua đường nào?